Xuất khẩu lao động là hình thức cung ứng lao động Việt Nam ra nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn, phục vụ cho nhu cầu nhân công lao động của doanh nghiệp nước ngoài.
Việc Xuất khẩu lao động góp phần giải quyết việc làm và cải thiện đời sống cho nhiều người, tăng nguồn thu nhập và nhiều lợi ích khác cho cuộc sống. Vì thế rất nhiều bạn trẻ cũng như người dân lựa chọn con đường xuất khẩu lao động để nâng cao chất lượng đời sống.
Có tất cả 4 hình thức đi Xuất khẩu lao động:
– Thông qua doanh nghiệp hoạt động dịch vụ, tổ chức sự nghiệp được phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
– Thông qua doanh nghiệp nhận thầu, tổ chức, cá nhân đầu tư ở nước ngoài;
– Thông qua doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề;
– Người lao động tự đi theo hình thức hợp đồng cá nhân.
Các thị trường quen thuộc với Việt Nam như Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn có chính sách di trú để được cấp quyền thường trú tuy nhiên để đáp ứng các điều kiện là rất khó.
Ví dụ người xuất khẩu lao động phổ thông tại Hàn Quốc với visa E9 đáp ứng đầy đủ những điều kiện ngành nghề phù hợp với visa E7 là lao động có tay nghề, chuyên môn cao thì vẫn có thể xin chuyển sang visa E7 được. Sau khi đã chuyển sang visa E7, người lao động được hưởng nhiều quyền lợi như được phép bảo lãnh người thân sang và cơ hội được chuyển sang visa F2 định cư lâu dài. Có visa F2 thì sau 3 năm người lao động mới có cơ hội nhận visa F5 để được ở lại Hàn Quốc vĩnh viễn.
Điều kiện để được cấp visa E9:
– Nam/nữ từ 18-39 tuổi;
– Tốt nghiệp THCS, THPT, Trung cấp hoặc Cao đẳng tùy thuộc vào tính chất từng công việc và yêu cầu của các công ty;
– Thi đỗ được chứng chỉ EPS;
– Không có người thân trong hộ khẩu sống bất hợp pháp tại Hàn;
– Không có tiền án tiền sự;
– Không thuộc vùng miền bị cấm nhập cảnh vào Hàn Quốc hay cấm xuất cảnh Việt Nam.
Thời hạn visa E9 là 4 năm 10 tháng và được phép ở tối đa 9 năm 8 tháng (trước đây là 14 năm 6 tháng). Đối với những người lao động hạn được 9 năm 8 tháng và vượt qua được kì thi tiếng Hàn thì sẽ được tái nhập cảnh với diện người lao động trung thành tại Hàn Quốc.
Điều kiện chuyển sang visa E7 gồm:
– Tuổi dưới 35 tuổi;
– Thu nhập tối thiểu từ 2.100.000 won với ngành nông nghiệp và 2.300.000 đối với ngành công nghiệp;
– Kinh nghiệm làm việc từ 4 năm trở lên;
– Tiếng Hàn từ TOPIK 3 trở lên;
– Không phạm pháp trong quá trình làm việc tại Hàn Quốc.
Như vậy có thể thấy những ai muốn định cư vĩnh viễn ở các nước tiên tiến như Hàn Quốc thì cũng phải trải qua một quá trình lâu dài và rất khó để được ở lại vĩnh viễn.
Lao động tay nghề tại những nước phát triển như Canada, Mỹ, Úc, là làm những công việc được nhà tuyển dụng bảo lãnh dưới sự chấp thuận của chính phủ để có thể xin lên quy chế thường trú nhân hợp pháp.
Số lượng công việc tuyển dụng rất hạn chế, đôi khi chỉ 1,2 nhân sự ở từng thời điểm. Người lao động cần có sức khỏe tốt, tiếng Anh, kinh nghiệm làm việc trong ngành nghề tương ứng theo yêu cầu cụ thể từ nhà tuyển dụng và chính sách nhập cư riêng của từng quốc gia, tỉnh bang.
Khi tham gia vào các chương trình này, người lao động không chỉ vì mức thu nhập tốt hơn mà vì mục đích chính là quyền lợi định cư tại các quốc gia cùng gia đình. Đây là một trong những nước có nền kinh tế, khoa học, y tế, giáo dục hàng đầu thế giới mở ra cơ hội học tập tuyệt vời cho con cái.
Như vậy tùy vào mục đích và điều kiện mà người lao động sẽ lựa chọn hình thức lao động phù hợp tốt nhất cho mình.