Kinh tế Mỹ được dự kiến là sẽ tăng trưởng chậm lại vào năm 2024. Các ngân hàng và các nhà kinh tế hàng đầu dự đoán tăng trưởng GDP của nước này năm tới từ 0,5 – 2%. J.P. Morgan dự báo thận trọng ở mức 0,7%, trong khi tổ chức Conference Board đưa ra ước tính là 0,9%. CBO dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại ở mức 1,5%. Có thể nhìn nhận một vài điểm sáng khả quan từ nền kinh tế Mỹ năm 2023.
Giới đầu tư và cả các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã kỳ vọng lạm phát sẽ giảm sau khi đạt đỉnh trong 4 thập kỷ vào mùa hè năm 2022. Tuy nhiên, ít ai có thể biết trước lạm phát sẽ xuống thang nhanh đến như vậy. Tốc độ tăng hàng năm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã giảm còn 3,1% trong tháng 11 vừa qua, từ mức 9,1% vào tháng 6/2022.
Một báo cáo gần đây của nhà kinh tế học Ian Shepherdson nhấn mạnh rằng tốc độ giảm lạm phát như vậy là “đáng kể”. Nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s Analytics dự báo đến cuối năm 2024, lạm phát sẽ giảm về gần mục tiêu 2% mà Fed đề ra.
Một trong những nguyên nhân khiến lạm phát ở Mỹ giảm nhanh là giá xăng đi xuống. Sau khi vọt qua mốc 5 USD/gallon vào năm 2022, giá xăng ở nước này đã giảm mạnh trong năm 2023. GasBuddy – một ứng dụng về giá xăng ở Mỹ và Canada – dự báo giá xăng bình quân ở Mỹ sẽ tiếp tục giảm trong năm nay, giúp người tiêu dùng tiết kiệm được 32 tỷ USD tiền mua xăng.
Với lạm phát dịu đi, Fed đã tạm dừng việc tăng lãi suất trong 3 cuộc họp liên tiếp, sau 11 đợt tăng dồn dập đe doạ đến tăng trưởng kinh tế và khiến nhà đầu tư lo lắng.
Giới chức Fed hiện đang dự báo sẽ giảm lãi suất 3 lần trong năm nay. Việc Fed giảm lãi suất sẽ đồng nghĩa với việc ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát.
Ông Zandi cho rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 4 lần trong năm 2024, có thể bắt đầu vào tháng 5. Trong khi đó, ngân hàng Goldman Sachs dự báo việc Fed giảm lãi suất lần đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 3.
Lãi suất giảm sẽ là một sự giải toả đối với người tiêu dùng Mỹ, vì sẽ làm giảm chi phí của các khoản vay thế chấp nhà, vay mua xe, vay thẻ tín dụng. Lãi suất vay thế chấp nhà ở nước này đã giảm từ mức gần 8% vào tháng 10 xuống còn 6,6% vào cuối năm 2023.
Lạm phát giảm, nỗi lo suy thoái tan dần, và triển vọng cắt giảm lãi suất đang kích thích giá cổ phiếu ở Phố Wall tăng mạnh. Chỉ số S&P 500 đã kết thúc năm 2023 bằng chuỗi 9 tuần tăng liên tiếp – dài nhất kể từ năm 2004. Chỉ số Nasdaq tăng 43% cả năm, chỉ thiếu chút nữa thì đánh dấu năm tăng mạnh nhất 2 thập kỷ.
Tất nhiên, diễn biến của thị trường chứng khoán không phải lúc nào cũng phản ánh chuẩn xác tình hình nền kinh tế. Có những năm chứng khoán tăng điểm dù nền kinh tế không thực sự ổn, và ngược lại. Nhưng hiện tại, đà tăng của chứng khoán Mỹ chủ yếu phản ánh triển vọng lạc quan của nền kinh tế, xu hướng giảm của lạm phát.
Mặc cho chiến dịch tăng lãi suất của Fed, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ hiện chỉ ở mức 3,7%, gần thấp nhất trong nửa thế kỷ. Số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, một chỉ báo về hoạt động sa thải của các nhà sử dụng lao động, đang ở mức thấp kỷ lục, chỉ khoảng 218.000 người/tuần. Đây được xem là dấu hiệu cho thấy các chủ sử dụng lao động không muốn sa thải.
“Số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đang rất thấp. Hồi chuông cảnh báo chỉ gióng lên khi số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng lên gần mức 300.000 người/tuần. Chúng ta còn cách con số đó một khoảng cách rất xa”, ông Zandi nhấn mạnh.
Nếu xu hướng này kéo dài, tiêu dùng sẽ được hậu thuẫn, mà tiêu dùng là đầu tàu tăng trưởng chính của kinh tế Mỹ. “Chừng nào sa thải còn ít, nền kinh tế còn ổn. Chúng ta đang ở trong một vòng tròn kinh tế như vậy”, vị chuyên gia phát biểu.
Trong phần lớn thời gian kinh tế Mỹ phục hồi sau đại dịch Covid-19, giá cả ở nước này tăng nhanh hơn so với tiền lương của người lao động, đồng nghĩa với tiền lương thực tế – sau khi trừ đi lạm phát – suy giảm.
Tuy nhiên, xu hướng này đã bắt đầu đảo ngược trong thời gian gần đây, với tốc độ tăng của tiền lương đuổi kịp lạm phát. Cả ông Zandi và ông Wolfers đều bày tỏ lạc quan rằng tốc độ tăng trưởng tiền lương ở Mỹ sẽ được đẩy nhanh trong năm 2024.
“Với lạm phát duy trì ở mức thấp, thu nhập sẽ đuổi kịp và sẽ vượt lạm phát. Mọi người sẽ bắt đầu cảm thấy mọi thứ tốt lên”, ông Zandi nhấn mạnh.
Business Insider đề cập đến các lĩnh vực giải trí và công nghệ. Năm 2023, nhiều người đã chi hàng nghìn USD để xem hòa nhạc, du lịch và tham gia các sự kiện. Điều này khiến giá vé xem phim và xem ca nhạc tăng 4,4% so với năm trước.
TikTok cũng là trung tâm của một số xu hướng kinh tế, chẳng hạn như chế biến món ăn từ những nguyên liệu sẵn có và với giá phải chăng, giúp giảm chi phí thực phẩm. Trong khi đó, Chat GPT được xem là công cụ có khả năng giúp con người làm việc năng suất hơn, nhưng cũng đe dọa tước đi việc làm của nhiều người. Trong khi nhiều nhà kinh tế chưa chắc chắn trí tuệ nhân tạo (AI) có ảnh hưởng đến thị trường việc làm, nhưng một số ý kiến cho rằng AI có thể giúp các công ty tăng năng suất và doanh thu.